Viêm cầu thận cấp

Viêm cầu thận cấp là hội chứng tổn thương viêm các cầu thận của cả 2 thận với biểu hiện triệu chứng khởi phát đột ngột bao gồm đái ra máu có trụ hồng cầu, protein niệu kèm theo phù, tăng huyết áp.

viem-cau-than

Viêm cầu thận

1. Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân, thường gặp nhất là VCTC sau nhiễm liên cầu khuẩn, ngoài ra có thể do nhiễm tụ cầu, phế cầu. VCTC có thể là bệnh thứ phát của bệnh Lupus ban đỏ hệ thống, tổn thương thận do đái tháo đường, viêm mạch nhỏ dạng nút, bệnh Goodpasture… VCTC sau nhiễm liên cầu khuẩn là nguyên nhân điển hình nhất. Đó là các liên cầu khuẩn b tan máu nhóm A typ 12 và 49:

  • Type 12 - viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu khuẩn do nhiễm trùng đường hô hấp trên, xảy ra chủ yếu trong những tháng mùa đông.
  • Type 49 - viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu khuẩn do bị nhiễm trùng da, thường thấy trong mùa hè và mùa thu.

VCTC sau nhiễm liên cầu khuẩn thường xuất hiện 1-3 tuần sau khi nhiễm trùng cấp tính với các chủng trên. Bệnh thường gặp ở trẻ 5 - 15 tuổi. Tỷ lệ bị VCTC là khoảng 5-10% ở những người bị viêm họng và 25% ở những người bị nhiễm trùng da. VCTC cũng có thể do nhiễm trùng bởi vi khuẩn khác, virus, ký sinh trùng hoặc nấm, như song cầu khuẩn, liên cầu khuẩn khác, tụ cầu, và mycobacteria. Salmonella typhosa, Brucella suis, Treponema pallidum, Corynebacterium bovis, và actinobacilli cũng đã được xác định có thể là vi khuẩn gây bệnh. Nguyên nhân do virus, ký sinh trùng hoặc nấm chỉ khi nó được chứng minh rằng không có sự xuất hiện của liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A. Virus thường thấy: Cytomegalovirus (CMV), virus coxsackie, virus Epstein-Barr (EBV), virus viêm gan B (HBV), rubella, rickettsiae và vi rút quai bị. Ký sinh trùng hoặc nấm: Coccidioides immitis và ký sinh trùng: Plasmodium malariae, Plasmodium falciparum (sốt rét), Schistosoma mansoni (sán máng), Toxoplasma gondii (trùng cong), giun chỉ, sán lợn, và trypanosoma.

2. Triệu chứng

VCTC do nhiễm liên cầu khuẩn khởi phát đột ngột, triệu chứng rầm rộ và điển hình. Có viêm họng xảy ra trước 1 – 3 tuần.

  • Có thể bệnh nhân còn sốt, viêm họng, viêm da hoặc có bệnh nhân chỉ mệt mỏi chán ăn.
  • Phù mềm, trắng, ấn lõm.
  • Tiểu ít
  • Đái ra máu đại thể (đỏ toàn bãi, ngày 1 – 2 lần), hoặc đái máu vi thể, có trụ hồng cầu.
  • Tăng huyết áp

Cận lâm sàng:

  • Protein niệu 2 – 3 g/24h
  • Hồng cầu niệu, trụ hạt, trụ hồng cầu dương tính
  • Bổ thể giảm
  • Kháng thể kháng liên cầu ASLO tăng
  • Sinh thiết: tăng sinh tế bào nội mạc, mao mạch
  • Nếu ure, creatinin máu tăng nhiều là dấu hiệu nặng.

3. Tiên lượng

Trong nhiều trường hợp, trong VCTC gây ra bởi nhân nhiễm liên cầu, tiên lượng dài hạn nói chung là rất tốt: hơn 98% số người không có triệu chứng ở những năm sau đó. Tuy nhiên, trong các trường hợp khác, viêm cầu thận có thể tồi tệ hơn theo thời gian, gây tổn thương vĩnh viễn cho các cầu thận, dẫn đến bệnh thận mạn tính. Sinh thiết thận có thể giúp các bác sĩ dự đoán kết quả.

4. Điều trị

Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản cũng như các triệu chứng mức độ nghiêm trọng các triệu chứng này. Trong trường hợp nhẹ, có thể không cần điều trị, chỉ cần theo dõi thường xuyên và cẩn thận tình trạng sức khỏe. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn cần điều trị bằng thuốc:

  • Kháng sinh: vì tác nhân gây bệnh có thể là nhiễm khuẩn nên lựa chọn kháng sinh phù hợp với tác nhân gây bệnh: penicillin hoặc erythromycin khi có nhiễm liên cầu khuẩn.
  • Thuốc ức chế miễn dịch, corticoid trong trường hợp VCTC thứ phát sau bệnh hệ thống hoặc VCTC có kèm hội chứng thận hư.
  • Thuốc ức chế men chuyển làm giảm protein trong nước tiểu hoặc kiểm soát huyết áp kết hợp các thuốc hạ huyết áp khác.
  • Điều trị thiếu máu nếu có.

Chỉ định lọc máu ngoài thận nếu bệnh nhân có dấu hiệu nặng như tiểu ít, ure máu cao, K+ máu cao. Xét nghiệm nước tiểu định kỳ hàng tháng, bệnh nhân được coi là khỏi bệnh khi trong 2 năm liên tiếp không có protein niệu.

5. Chế độ ăn và nghỉ ngơi

  • Hạn chế ăn muối để giảm phù và tăng huyết áp.
  • Ăn ít protein, đảm bảo đủ calo bằng glucid và vitamin
  • Khi có tiểu ít: ăn ít rau quả để giảm lượng K+ đưa vào
  • Bệnh nhân cần nghỉ ngơi, hạn chế vận động.

6. Một số dược liệu hỗ trợ điều trị

  • Hoàng kỳ làm giảm đạm niệu, tăng khả năng miễn dịch.
  • Lôi công đằng làm giảm đạm niệu, tăng protein trong máu.
  • Xuyên khung ức chế tập trung tiểu cầu, cải thiện tuần hoàn ngoại vi, chống oxy hóa, bảo vệ thận.
  • Đan sâm giúp tăng sự thanh thải của thận, tăng lưu lượng máu qua thận, chống xơ hóa thận.
  • Cỏ mần trầu : có tác dụng lợi tiểu, nhuận tràng, nhuận gan, giải độc, kích thích tiêu hoá. Chữa cảm sốt, huyết áp cao, tiểu tiện không thông, đái ít.
  • Thổ phục linh : Thuốc chống viêm, chống dị ứng, lợi tiểu, làm ra mồ hôi, giải độc cơ thể, trị lở ngứa, mụn nhọt, viêm tấy, vảy nến, tổ đỉa, thấp khớp, đau nhức xương, lao hạch, giang mai, ngộ độc thủy ngân.
  • Mã đề : Lợi tiểu. Toàn cây hoặc hạt chữa phù, bí tiểu tiện, tiểu tiện ra máu, sỏi thận, ho lâu ngày, viêm phế quản, đau mắt đỏ
  • Kim tiền thảo : chữa nhiễm trùng đường tiểu, viêm thận phù thũng, sỏi thận, sỏi tiết niệu, viêm gan vàng da.

Tuelinh.vn

Chủ đề

Sản phẩm tuệ linh